Nguồn cảm hứng thơ ca Hồ Chí Minh

- Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là thiên tài quân sự mà còn là một nhà văn hóa kiệt xuất, một nhà văn, nhà thơ... Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Tuyên Quang đã có cuộc trao đổi với Thạc sỹ Bùi Thị Mai Anh, nguyên Phó Trưởng khoa Văn hóa - Du lịch trường Đại học Tân Trào, Ủy viên BCH hội viên hội Văn học Nghệ thuật tỉnh về một số bài thơ Bác sáng tác tại Tuyên Quang.

Phóng viên: Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đã ở, làm việc và lãnh đạo cách mạng gần 6 năm tại Tuyên Quang. Tại đây, Bác đã sáng tác nhiều bài thơ đặc sắc, gửi gắm tình cảm dành cho đồng bào, đất nước, thể hiện ý chí quyết tâm cách mạng. Chị có chia sẻ gì về các tác phẩm của Bác sáng tác tại Tuyên Quang?

Th.S Bùi Thị Mai Anh và tư liệu về thời gian Bác Hồ ở và làm việc tại Tuyên Quang.

Thạc sỹ Bùi Thị Mai Anh: Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 và trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đã ở, làm việc trên đất Tuyên Quang gần 6 năm, tại hơn 32 địa điểm khác nhau, gắn liền với những sự kiện quan trọng của Đảng, Bác Hồ tới lịch sử dân tộc ta. Bác làm khá nhiều thơ cả chữ Hán lẫn chữ quốc ngữ ở chiến khu Việt Bắc, chủ yếu ở các tỉnh Cao Bằng, Thái Nguyên và Tuyên Quang. Đó là thơ chúc tết, thơ tặng các cháu thiếu niên nhi đồng nhân dịp trung thu, thơ viết về những khoảnh khắc tuyệt đẹp của chiến khu Việt Bắc.

Trung Thu năm 1952, Bác gửi thơ tặng các cháu thiếu niên nhi đồng, tình cảm dạt dào, thắm thiết mà vẫn ân cần, khích lệ “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình”.

Thơ chúc tết các năm 1949, 1950, 1951, 1952, 1953, 1954 đều được Bác viết tại các địa điểm của ATK Tuyên Quang: hang Bòng, Lũng Tẩu (Sơn Dương), Kim Quan (Yên Sơn), Bó Củng, xã Kim Bình (Chiêm Hóa)… Trong đó, mùa xuân năm Tân Mão 1951 có ý nghĩa đặc biệt với Tuyên Quang. Vì năm ấy Trung ương Đảng đã chọn Tuyên Quang là nơi tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Đây là Đại hội Đảng đầu tiên được tổ chức ở trong nước kể từ khi thành lập Đảng và là Đại hội duy nhất cho đến nay được tổ chức ở ngoài Thủ đô Hà Nội. Cũng mùa xuân này, từ núi rừng Việt Bắc, Bác viết bài thơ Mừng xuân Tân Mão (1951) gửi đồng bào, chiến sỹ cả nước:

“Xuân này kháng chiến đã năm xuân/Nhiều xuân kháng chiến càng gần thành công/Toàn dân ta quyết một lòng/Thi đua ta chuẩn bị tổng phản công kịp thời”.

Ở Tuyên Quang, có ba bài thơ hay nhất cũng được đông đảo bạn đọc trong cả nước biết, được đưa vào các chương trình dạy học của các bậc học trong cả nước, đó là bài Nguyên tiêu, Đi thuyền trên sông Đáy và Vô đề, trong đó có hai bài được viết bằng chữ Hán, một bài viết bằng chữ quốc ngữ.  

Phóng viên: Nguyên tiêu chính là bài thơ nổi tiếng xuất hiện trong các Ngày thơ Việt Nam hàng năm. Chị có thể chia sẻ đôi điều về sức lan tỏa cũng như giá trị tư tưởng, nghệ thuật của bài thơ này?

Thạc sỹ Bùi Thị Mai Anh: Bài thơ Nguyên tiêu Bác viết vào dịp Tết Nguyên Tiêu năm Mậu Tý (1948). Lúc này, Bác Hồ và một số cán bộ Trung ương đi kiểm tra chiến dịch ở khu rừng Việt Bắc trên một chiếc thuyền trên sông Phó Đáy. Khung cảnh thiên nhiên thật nên thơ, chuyện quân sự đã bàn xong, có thể thanh thản ngắm cảnh đẹp trong đêm trăng, mọi người đề nghị Bác làm thơ. Bác không từ chối và đọc một bài thơ tứ tuyệt chữ Hán lấy tựa đề là Nguyên tiêu.

Nguyên tiêu là bài thơ xuân, thơ trăng hay nhất của Bác Hồ. Năm 2003, nhân dịp 55 năm nhà thơ Hồ Chí Minh làm bài thơ Nguyên tiêu, Hội Nhà văn Việt Nam đã đề nghị lấy ngày rằm tháng Giêng hàng năm làm Ngày thơ Việt Nam. Đó là sự tôn vinh đối với bài thơ và nhà thơ Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc một bài thơ bất tử, một xác nhận Nguyên tiêu là bài thơ tiêu biểu được làng thơ Việt Nam chính thức đưa lên đỉnh cao thơ ca dân tộc.

Giá trị tư tưởng và nghệ thuật của Nguyên tiêu đã và sẽ mãi mãi vang vọng cùng non sông, đất nước và hiện hữu như một áng thơ tuyệt mỹ trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Từ đó đến nay, vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, trên khắp mọi miền đất nước nói chung, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang nói riêng, đều diễn ra nhiều hoạt động phong phú như kéo lá cờ Thơ, ngâm thơ, đọc thơ, bình thơ, sáng tác thơ, giao lưu giữa nhà thơ với công chúng, xem thư pháp thơ… Tất cả thể hiện một tình yêu với thơ, một tâm hồn thơ, đó là nét độc đáo trong văn hóa Việt Nam, đặc biệt trong dịp Tết đến xuân về, trong dịp Tết Nguyên tiêu - ngày rằm đầu tiên của năm mới.

Th.S Mai Anh chia sẻ những câu chuyện về hoàn cảnh ra đời một số thi phẩm Bác viết tại Tuyên Quang. Ảnh: Bích Ngọc

Phóng viên: Hiện nay, không ít độc giả nhầm lẫn sông Đáy mà Bác Hồ nhắc tới trong bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy” không phải ở Tuyên Quang. Vậy chị có thể trao đổi thêm xung quanh nội dung này để độc giả hiểu hơn về dòng sông Phó Đáy lịch sử?

Thạc sỹ Bùi Thị Mai Anh: Theo Wikipedia (Bách khoa toàn thư mở): Sông Phó Đáy là một phụ lưu bên tả ngạn của sông Lô, có thượng lưu và trung lưu chảy trên địa bàn vùng núi và trung du phía Bắc, còn hạ lưu chảy trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Sông Phó Đáy bắt nguồn từ vùng núi Tam Tạo, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn, chảy qua các huyện Yên Sơn, Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang, huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường của tỉnh Vĩnh Phúc và nhập vào sông Lô phía trên cầu Việt Trì độ 200 m. Bên kia sông Lô, tại ngã ba sông là địa phận tỉnh Phú Thọ. Từ ngã ba sông Phó Đáy và sông Lô đi tiếp về phía hạ lưu của sông Lô chưa đến 2 km là ngã ba sông nơi sông Lô hợp lưu vào sông Hồng. Sông Phó Đáy có nhiều phụ lưu nhỏ. Đoạn trên địa bàn Tuyên Quang dài 84 km.

Sông Phó Đáy ở Tuyên Quang còn được gọi là sông Đáy. Còn sông Đáy là dòng sông chảy từ phía tây Hà Nội, xuyên qua tỉnh Hà Nam rồi thành ranh giới giữa Ninh Bình và Nam Định trước khi đổ ra biển đông tại cửa Đáy. Dòng sông này chảy song song bên hữu ngạn hạ lưu sông Hồng.

Như vậy, sông Đáy và sông Phó Đáy là hai con sông khác nhau hoàn toàn. Sông Phó Đáy (chủ yếu là đoạn qua Tuyên Quang) được nhắc đến trong bài thơ “Đi thuyền trên sông Đáy” của Hồ Chí Minh. Bài thơ được Bác sáng tác năm 1949 trong một lần Người từ Khấu Lấu (thuộc xã Tân Trào) xuôi thuyền về huyện lỵ Sơn Dương thăm một lớp học của cán bộ kháng chiến. Bài thơ cho thấy sự hòa quyện tâm hồn của thi sĩ Hồ Chí Minh và vị Tổng tư lệnh kháng chiến Hồ Chí Minh trong một đêm trăng trên dòng Phó Đáy lịch sử.

Phóng viên: Đọc thơ Bác, chúng ta thấy rõ sự nhuần nhị giữa chính trị và văn chương, giữa tư tưởng và nghệ thuật. Là nhà nghiên cứu văn hóa, độc giả và những người yêu thơ muốn biết cảm nhận của chị về những vần thơ Bác sáng tác tại Tuyên Quang?

Thạc sỹ Bùi Thị Mai Anh: Thơ ca là lĩnh vực nổi bật trong di sản văn học của Hồ Chí Minh. Với khoảng 250 bài thơ, trong đó có hơn 100 bài thơ chữ Hán - một con số thật có ý nghĩa với một đời thơ, đủ khẳng định Hồ Chí Minh là một nhà thơ, sau này được in trong các tập thơ tiêu biểu: Nhật ký trong tù, Thơ Hồ Chí Minh, Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh. Thơ ca của Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự  kết hợp độc đáo giữa bút pháp cổ điển và hiện đại; giữa chất thép với chất tình cộng với sự trong sáng giản dị và sự hàm súc, sâu sắc.

Thơ ca được Hồ Chí Minh sáng tác chủ yếu từ khi về nước (1941) cho tới cuối đời, viết bằng Tiếng Hán và Tiếng Việt. Trí tuệ Hồ Chí Minh còn ở chỗ Người còn đề ra một tuyên ngôn cho thơ ca và văn học cách mạng:

Nay ở trong thơ nên có thép/Nhà thơ cũng phải biết xung phong.

Nhà văn hóa Quách Mạt Nhược từng nói về tập Nhật ký trong tù: “hơn 2.000 chữ chỉ có một chữ thép. Nhưng đọc kỹ thấy bài nào cũng có thép, câu nào cũng có thép, vì người làm thơ có một tinh thần thép rất chắc chắn”. Tất cả bắt nguồn từ một tâm hồn yêu nước lớn, một cốt cách nghệ sỹ lớn và một tư thế văn hóa lớn.

Tuy vậy, có giá trị nhất là thơ viết về cảnh thiên nhiên, thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của vị Chủ tịch nước: nỗi lo lắng cho dân cho nước, tình yêu thiên nhiên, yêu con người, tinh thần lạc quan cách mạng.

Nhìn chung, phong cách nghệ thuật trong thơ của Bác vô cùng phong phú và đa dạng ở các thể loại nhưng chúng lại nhất quán với nhau. Các sáng tác của Người luôn hướng tới cuộc sống, niềm vui, ánh sáng nên có sức hấp dẫn lớn, có sức tác động lên nhiều đối tượng trong quần chúng và đặc biệt là có sức sống bền lâu. Nhà văn Trung Quốc Quách Mạc Nhược từng nhận xét: “Thơ của Hồ Chủ tịch đặt bên những bài thơ Đường, không biết bài nào hay hơn…”.

Phóng viên: Tuyên Quang là nơi nhiều lần Bác đón sinh nhật và có những vần thơ nói về tuổi tác với tình cảm, trách nhiệm của Người đối với non sông đất nước và đồng bào, đồng chí. Nhân dịp kỷ niệm 134 năm Ngày sinh của Người, chị có thể chia sẻ thêm về những bài thơ Bác viết dịp sinh nhật tại Tuyên Quang?

Thạc sỹ Bùi Thị Mai Anh: Năm 1949, Bác Hồ ở tại nhà ông Hà Văn Tung tại Bản Chương, xã Hùng Lợi (Yên Sơn). Sắp đến kỷ niệm sinh nhật Người, một số cán bộ đề nghị tổ chức lễ kỷ niệm sinh nhật. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại bằng bài thơ “Không đề”:

Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà/Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già/Chờ cho kháng chiến thành công đã/Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.

Vẫn với tinh thần lạc quan cách mạng, ngày 19-5-1950, Chính phủ tổ chức lễ chúc thọ mừng Bác Hồ tròn 60 tuổi tại Văn phòng Chủ tịch phủ (thác Dẫng, thôn Lập Binh, xã Bình Yên, Sơn Dương). Bác Hồ ứng khẩu bài thơ:

Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán/So với ông Bành vẫn thiếu niên/Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe/Trần mà như thế kém gì tiên.

Bài thơ ngắn gọn, tự nhiên gợi đến sự tươi trẻ, vui vẻ, khỏe khoắn và tràn trề tinh thần lạc quan của Người. Trong khi mọi người hướng về Bác chúc thọ thì Bác vui vẻ tự so tuổi mình với tuổi ông Bành tổ (sống 800 năm, theo truyền thuyết) và thấy như vậy thì mình cũng chỉ như còn “thiếu niên”.

“Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe” với Bác là có sức khỏe để làm việc, tìm ra con đường đấu tranh đánh đuổi kẻ thù xâm lược, giành tự do, độc lập cho dân tộc. Bài thơ thể hiện phẩm chất lạc quan yêu đời, sống tích cực, sống hăng say của Bác Hồ trong kháng chiến gian khổ.

Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc những vần thơ Bác sáng tác tại Tuyên Quang, chúng ta thêm vinh dự, tự hào và nhận thấy trách nhiệm trong dựng xây quê hương giàu đẹp.

Trân trọng cảm ơn Thạc sỹ Mai Anh!

Thực hiện: Chúc Huyền

Tin cùng chuyên mục